Tin Du lịch

Những điểm du lịch hấp dẫn của Hướng hóa Quảng Trị

Trong những năm gần đây Hướng Hóa trở thành một điểm đến vô cùng thú vị trong hành trình trải nghiệm và chinh phục thiên nhiên của nhiều du khách gần xa. Với nhiều người, được đặt chân trên những cung đường quanh co hiểm trở, được thăm thú và ngắm nhìn những thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ của mảnh đất này thực sự là những kỷ niệm đẹp không thể nào quên.

Du lịch Quảng Trị đặt chân đến Hướng Hóa để khám phá và trải nghiệm nhiều hoạt động. Trong bài viết này chúng tôi giới thiệu về Thác Chênh Vênh, Động Brai, và động tà Puồng, săn mây tại đèo Sa mù

Nội dung bài viết

Thác Chênh Vênh – vẻ đẹp giữa đại ngàn

Đây là một trong những điểm nhấn thiên nhiên, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan và trải nghiệm. Thác Chênh Vênh nằm cách Quốc lộ 9 khoảng 27 km về phía Bắc, ngay dưới chân đèo Sa Mù thuộc địa phận xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Thác Chênh Vênh là một địa điểm du lịch đẹp, mới phát hiện, nơi đây vẫn còn giữ được nguyên vẻ hoang sơ nằm trong quần thể Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa.

Thác Chênh Vênh

Thác nằm bên cạnh tuyến đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, là đầu cầu nối liền với 3 di sản lớn đó là: Phong Nha Kẻ Bàng, Huế và Hội An và các địa điểm du lịch đầy tiềm năng của tỉnh như sân bay Tà Cơn, động Brai, thác Tà Puồng… Đường đi vào thác rất dễ để di chuyển, đoạn đường đất thoai thoải, bằng phẳng được bao phủ bởi nhiều cây xanh lớn nhỏ. Đến đây, du khách được phóng tầm mắt giữa cánh rừng bạt ngàn, nghe tiếng chim ngân vang ca hót, trèo đèo lội suối, chìm đắm vào khung cảnh nên thơ, tươi mát của đại ngàn. Men theo những con suối nhỏ róc rách để đến chân thác, du khách sẽ được ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ dưới dòng thác chênh vênh được bao bọc bởi những ngọn núi xanh mát, hệ thực vật nguyên sinh phong phú, đa dạng. Từ xa xa, bạn đã có thể nghe được tiếng nước chảy ào ào từ chân thác, tung bọt trắng xóa tạo nên vẻ đẹp kỳ vĩ. Nước từ thác đổ xuống từ độ cao khoảng 20 m, đứng từ dưới chân thác ngước nhìn lên sẽ thấy ánh nắng mặt trời chiếu rọi qua từng tia nước bung tỏa qua sườn núi đá, tựa như một bức tranh sắc màu pha lê lung linh, huyền ảo. Nơi đây khiến du khách bị mê hoặc bởi vẻ đẹp hùng vĩ, nguyên sơ, có cảm giác như vừa thoát khỏi chốn trần tục ồn ào để tìm đến nơi tĩnh lặng, bình yên.

Nằm lọt giữa những cánh rừng già, bên cạnh dòng thác trắng xóa là thôn Chênh Vênh. Đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở đây vẫn còn giữ nguyên vẹn tập tục sinh hoạt, lễ hội và bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Khí hậu vùng đất này tương đối mát mẽ, bình quân khoảng 220 C, là nơi lý tưởng để du khách hòa mình vào thiên nhiên, nghỉ ngơi và cùng khám phá những nét văn hóa đặc sắc của người dân bản địa.

Khám phá thác Tà Puồng và động Tà Puồng

Thác Tà Puồng và động Tà Puồng cách Quốc lộ 9 khoảng 60 km về phía Bắc, thuộc địa phận thôn Tà Puồng xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa.


động Tà Puồng động Tà Puồng

Từ cầu Sêbănghiêng, đi ngược đường Hồ Chí Minh theo đường mòn và dọc theo suối khoảng 20 phút tới động ướt Tà Puồng. Động có cửa rộng, trần cao, một bên là dòng sông ngắn chảy ra, một bên là bãi cát bồi dài và rộng. Lòng sông có đoạn rộng 4-5m, độ sâu nhấp nhô không đồng đều. Khối lượng thạch nhũ động Tà Puồng không nhiều nhưng thiên nhiên ưu ái kiến tạo nên nhiều hình thù rất đặc sắc, độc đáo. Càng đi vào sâu bên trong, du khách càng có một cảm giác man mát, khác hẳn không khí oi nồng của gió Lào ngay ngoài cửa hang. Khó có thể mô tả vẻ đẹp hùng vĩ của những buồng, những hành lang đá vôi phủ đầy thạch nhũ long lanh, kì bí ở bên trong động Tà Puồng, một trong những hang động còn nguyên sơ của Việt Nam.

Từ thôn Tà Puồng, men theo đường mòn khoảng 15 phút, sẽ đến thác Tà Puồng. Thác Tà Puồng được chia thành hai thác nhỏ là thác Tà Puồng 1 và thác Tà Puồng 2, hai thác này cách nhau khoảng 20 phút đi bộ. Giữa muôn vàn cảnh đẹp của tạo hóa trao tặng cho vùng đất Hướng Hóa, những dòng thác Tà Puồng hiện lên như một điểm đến lý tưởng cho những người đam mê khám phá và mong muốn được hòa mình với cuộc sống thiên nhiên. Đây cũng là một trong những ngọn thác vẫn còn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ khiến du khách nào từng đặt chân đến đây cũng phải choáng ngợp.

Thác Tà Puồng
Thác Tà Puồng

Thác Tà Puồng 1 có độ cao từ 30-35 m, nước trên cao đổ xuống như dải lụa trắng vắt ngang giữa núi rừng, tạo thành một cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, làm say đắm du khách khi được ghé thăm. Quanh thác là cánh rừng xanh tốt, với hệ thực vật dồi dào và phong phú. Hòa cùng tiếng gió reo vang như hơi thở của núi rừng là âm thanh róc rách dịu dàng của dòng thác Tà Puồng kiều diễm khiến du khách vô cùng ngỡ ngàng, thích thú.

Tiếp tục hành trình trải nghiệm với một đoạn ngắn băng qua khu rừng nguyên sinh của thôn Tà Puồng, du khách sẽ đến với thác Tà Puồng 2 mới được phát hiện thời gian gần đây. Thác đẹp và có không gian rộng rãi, dòng thác hiền hòa tựa như suối tóc của người thiếu nữ xõa dài giữa đại ngàn xanh thẳm. Nơi đây phù hợp để du khách cắm trại, vui chơi cùng gia đình và bạn bè.

Thác Tà Puồng, động Tà Puồng nằm liền kề nhau, là một chuỗi điểm đến vô cùng hấp dẫn và thú vị cho nhưng ai thích khám phá vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ của núi rừng.

Danh thắng động Brai

Những ai đam mê Du lịch mạo hiểm và yêu thích khám phá thiên nhiên cũng không thể bỏ qua hang động Brai thuộc địa phận thôn A Xốc, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, cách thị trấn Khe Sanh 70 km, cách thành phố Đông Hà 150 km về phía Tây Bắc. Động nằm sát bờ sông Sêbănghiêng, cách biên giới Việt Nam – Lào khoảng 2 km về phía Đông.

động Brai
động Brai

Những năm trở lại đây, hang động Brai khiến nhiều khách “phượt” mê mẩn trước vẻ đẹp hoang sơ với nhiều khối thạch nhũ có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi. Hang động chứa đựng một vẻ đẹp lộng lẫy, huyền bí, như một quần thể kiệt tác nghệ thuật đồ sộ mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Đường vào hang Brai khá thuận lợi, chỉ cần men theo dòng Sêbănghiêng khoảng 1 km là đến ngọn Brai. Leo núi tầm 100 m là đến cửa hang… Đoạn từ cửa hang trở vào trong khoảng 500 m, nhiều chỗ lòng hang hẹp, trần hang rất thấp, phải bò, trườn mới qua được. Khác với lối vào hang động nhỏ hẹp, khi vào sâu dần bên trong, chúng ta sẽ thấy được vẻ đẹp hùng vĩ của các khối măng đá, nhũ đá với thiên hình vạn trạng. Những nhũ đá được kết tinh thành nhiều hình thù khéo léo tựa như được ai đó tỉ mẩn, chăm chút chạm khắc. Đó là những thớ đá thoai thoải, phân bậc như ruộng bậc thang, hay khối thạch rũ xuống tựa như bức rèm che của tiên nữ. Khi du khách đưa mắt ngước nhìn lên trần động sẽ thấy những giọt thạch nhũ bung tỏa tựa muôn hoa đang đua nhau khoe sắc.

Động Brai càng vào sâu càng rộng, thạch nhũ càng nhiều và đồ sộ, phía sâu trong động còn có bãi đá rộng nguyên sơ, không khí trong lành, mát mẻ. Động Brai có cấu trúc của một hang động điển hình, là loại hang khô và có đoạn ngập nước được tạo thành từ những núi đá vôi, bên trong có nhiều măng đá, tảng đá mòn, các hồ đá bìa… với nhiều hình dạng và màu sắc khác nhau. Nhiều khối thạch nhũ đổ dài, uốn lượn có tuổi thọ hàng trăm năm, là món quà quý giá được thiên nhiên ưu ái ban tặng nơi đây. Động Brai hiện nay vẫn đang được quan tâm đầu tư khai thác, hứa hẹn sẽ là địa điểm du lịch thu hút khách du lịch đến tham quan khám phá nhiều hơn nữa.

Huyền ảo đèo Sa Mù

Băng qua những ngọn núi trập trùng, thử thách chính mình với những cung đường đèo dốc để chinh phục thiên nhiên, đó là cung đường dẫn đến đèo Sa Mù.

đèo Sa Mù
đèo Sa Mù

Nối từ xã Hướng Phùng tới xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, con đường đèo Sa Mù có độ dài gần 20 km, cao gần 1.400 m so với mặt nước biển. Vào mùa hè, nếu như hầu hết các nơi ở tỉnh Quảng Trị đều bỏng rát bởi gió Lào thiêu đốt thì ở đỉnh đèo Sa Mù không khí vẫn se se lạnh với làn sương mờ ảo lãng đãng trôi. Sương mù dày đặc ôm lấy núi, vây lấy đèo, cộng với cảnh sắc hùng vĩ của núi rừng, tất cả tạo nên một sắc màu vô cùng huyền ảo và khác biệt. Đến đèo Sa Mù, du khách sẽ được trải nghiệm các cung đường uốn lượn, những khúc cua gấp với vực đèo sâu thăm thẳm. Ngoài ra, du khách còn được chiêm ngưỡng khung cảnh nên thơ của mây trời, vẻ đẹp núi rừng hùng vĩ trùng điệp, xa xa thấp thoáng các bản làng với những nếp nhà sàn giản dị của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Đặc biệt, khi đến đây, du khách sẽ được ngắm nhìn nhiều loài hoa mang hương sắc của núi rừng miền tây Hướng Hóa như hoa phong lan, hoa lau trắng, hoa tulip…

Những sớm mùa hè trong trẻo, từ trên đỉnh đèo nhìn xuống phía dưới, du khách sẽ thỏa sức chiêm ngưỡng cung đường đèo như một dải lụa xanh mướt mát, với những làn mây trắng bồng bềnh trôi như chốn bồng lai tiên cảnh. Vào mùa lúa chín, từ Sa Mù nhìn xuống những ruộng lúa, nương ngô, sẽ thấy mênh mang một màu vàng óng ả trải dài đến hút tầm mắt. Dừng chân trên đỉnh đèo, du khách sẽ có cảm giác như ôm trọn tất cả sự bội thu của mùa màng, cái tươi vui của thiên nhiên và con người nơi đây. Bên cạnh những cái tên như: Mã Pì Lèng, Pha Đin, Hải Vân…đèo Sa Mù được xếp vào danh sách những cung đường đèo hiểm trở bậc nhất Việt Nam. Thế nên, đây là điểm đến tuyệt vời của du lịch Quảng Trị mà bạn nên đến trải nghiệm

Theo Báo Quảng Trị

Related Articles

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button