CÓ MỘT CÕI THIÊNG QUẢNG TRỊ
Trong chuyến Famtrip Quảng Trị và hội thảo Bí ẩn miền Đất thiêng, tôi được nghe bài phát biểu và chia sẻ về những câu chuyện thiêng tại Quảng Trị của Ông Nguyễn Hữu Thắng nguyên giám đốc sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Trị. Xin được chia sẻ lại bài phát biểu cũng như câu chuyện của ông về Bí ẩn miền đất thiêng Quảng Trị.
Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thị xã và Thành Cổ Quảng Trị kết thúc. Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, mang tầm thời đại cùng với sự hy sinh cao cả của những người lính đã anh dũng ngã xuống nơi đây, Thành Cổ Quảng Trị cùng với những địa điểm lưu dấu chiến dịch 81 ngày đêm đã được nhà nước công nhận là di tích cấp Quốc Gia đặc biệt vào năm 2013.

Đã có rất nhiều những tác phẩm sách, báo, thơ ca, nhạc, họa, tượng đài, phim ảnh, kịch bản sân khấu về sự kiện oanh liệt này. Nhiều cuộc hội thảo, công trình nghiên cứu, đề tài khoa học đã được tiến hành.
Thành Cổ Quảng Trị đã trở thành điểm đến để tri ân, tưởng niệm của hàng triệu lượt người, họ là Cựu chiến binh, thân nhân liệt sỹ, thương binh, học sinh, du khách cả nước và bạn bè Quốc tế. Có thể nói, Thành Cổ Quảng Trị là một trong những điểm di tích thu hút khách tham quan, tưởng niệm đông nhất của tỉnh Quảng Trị hiện nay.
Với sự hiện đại và nhanh nhạy của công nghệ thông tin, giờ đây, dù ngồi ở phương trời nào bạn chỉ cần gõ vào các từ khóa “81 ngày đêm”, “Thành Cổ Quảng Trị”, “Mùa hè đỏ lửa”, “Dòng sông Thạch Hãn”, là có thể tra cứu và đọc được rất nhiều thông tin về sự kiện lịch sử đặc biệt này.
Nhưng có những thông tin, tư liệu, những giá trị “Phi vật thể” khác đã được người trong cuộc chứng kiến, mắt thấy, tai nghe mà chưa từng được công bố một cách đầy đủ, công khai đến du khách. Những hiện tượng thực thực, hư hư, những cuộc “gặp gỡ” giữa người dương và cõi âm đã diễn ra ở Thành Cổ Quảng Trị, trong những năm qua , rất tiếc chưa có ai tập hợp để viết thành sách. Người đời gọi đó là những hiện tượng tâm linh.
Là người đã có gần 10 năm gắn bó với sự nghiệp VHTT và Du lịch, tôi đã nhiều lần được anh em đồng nghiệp kể cho nghe và cũng không ít lần được trực tiếp chứng kiến những hiện tượng tâm linh như vậy.
Nội dung bài viết
1. Liệt sỹ cùng dự đua thuyền:
Tháng 7 năm 2012, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức giải đua thuyền truyền thống trên sông Thạch Hãn nhân kỷ niệm 40 năm sự kiện 81 ngày đêm thành Thành Cổ Quảng Trị và 65 năm ngày TBLS. Tham dự giải có 15 đoàn đua thuyền của 15 tỉnh thành trong cả nước, trong đó có rất nhiều đoàn mạnh như Hải Dương, Hải Phòng, An Giang, Đồng Tháp, Ninh Thuận, Quảng Bình. Đoàn chủ nhà Quảng Trị chọn 2 đội Nam – nữ của xã Hải Lệ và Triệu Thuận tham gia . VĐV đoàn Quảng Trị là những người làm nghề sông nước, khai thác cát sạn trên sông Thạch Hãn, không phải là vận động viên chuyên nghiệp, thể hình thấp bé, nhẹ cân so với các đội bạn. Trước khi vào giải, BHL của Sở tổ chức cho các VĐV tỉnh nhà làm lễ ra quân, dâng hương, hoa tại Thành Cổ Quảng Trị và bờ sông Thạch Hãn, với mong muốn đội chủ nhà có được thành tích cao, xứng với vai trò vị thế của đơn vị đăng cai. Kết quả, đoàn Quảng Trị dành giải nhất tuyệt đối toàn đoàn với 5HCV, 4 HCB, 3 HCĐ, bỏ xa các đoàn mạnh như Hải Dương, An Giang, Đồng Tháp…. Điều kỳ lạ là trong một số đợt đua, có đoàn bạn đã khiếu nại với BTC rằng: Đoàn Quảng Trị có sự gian lận. Đội bạn quả quyết rằng VĐV trên thuyền Quảng Trị đông hơn quy định, lại thấy có người dưới sông bơi theo đẩy thuyền, họ đều mặc áo bộ đội. Ý kiến khiếu nại được gửi lên Ban trọng tài và giám sát cuộc thi. Kết quả, xác minh của ban trọng tài và giám sát bằng camera đều khẳng định đoàn Quảng Trị không vi phạm quy chế, không thừa VĐV trên thuyền. Còn các VĐV Quảng Trị đều có cảm giác thuyền đua đi rất nhanh, hình như có ai đẩy ở phía dưới. Ngay cả chúng tôi – cũng ngỡ ngàng, không giám tin vào kết quả vô dịch của mình. Chúng tôi nghĩ, phải chăng, những người lính tuổi 18 – 20 hy sinh nằm lại dưới sông Thạch Hãn đã phù hộ cho đoàn Quảng Trị có một sức mạnh phi thường để làm nên chiến thắng.
2. Viên gạch linh thiêng:
Một đoàn CCB từ phía Nam trở lại chiến trường xưa, dừng chân vào dâng hương và viếng Thành Cổ. Một CCB trong đoàn khi dạo quanh Cổ Thành đã lặng lẽ lấy một viên gạch bị rơi ra từ bức tường, còn khá nguyên vẹn. Ông bọc viên gạch vào tờ báo cũ, cất vào ba lô với ý định sẽ đem viên gạch ấy về đặt trên bàn thờ nhà mình để tưởng nhớ đến đồng đội nơi đây. Trên đường về, đêm hôm ấy ông nằm mà không sao ngủ được, văng vẳng bên tai ông là tiếng nói của một ai đó “đồng đội ơi, hãy đem trả lại viên gạch về chỗ cũ. Gạch đó là của chúng tôi”. Vì đi đường xa khá mệt nên CCB nọ cho rằng vì mình mệt nên chiêm bao ám ảnh vậy thôi và bỏ qua. Tuy nhiên, đêm hôm sau lại tái diễn hiện tượng tương tự. Nhưng lần này thì tiếng nói có vẻ kiên quyết và gay gắt hơn. Ông cảm thấy như có một luồng điện chạy qua người mình và đầu óc bỗng đau dữ dội. Ông nhớ đến viên gạch cất dưới đáy ba lô với cảm giác lo sợ xen lẫn sự ân hận. Ông vội đánh thức đồng đội dậy và thành thật kể lại sự việc, muốn trả lại viên gạch về vị trí cũ. Ngay trong đêm, đồng chí trưởng đoàn quyết định: cả đoàn nghỉ lại tại chổ, cử thêm 1 đ/c cùng CCB nọ bắt xe, mang viên gạch vượt 200km quay lại Thành Cổ Quảng Trị. Trên đường đi, ông xin được số điện thoại và liên lạc với chúng tôi kể lại sự việc, xin lỗi và nhờ tôi hướng dẫn cách trả lại viên gạch trước sự chứng kiến cuả cả người sống và vong hồn liệt sỹ. Chúng tôi hướng dẫn, các bác lấy viên gạch ở đâu thì hãy đem trả lại đúng vị trí ấy. Thắp hương và khấn lạy cáo lỗi với vong hồn liệt sỹ, thế là được. Di sản Thành Cổ là tài sản chung của cả hàng vạn linh hồn đã ngã xuống nơi đây, cũng như của hàng vạn, hàng triệu người còn sống, hàng năm vẫn tìm về thăm viếng, tưởng niệm. Nếu như ai đến đây cũng lấy đi một vật gì đó làm của riêng cho mình thì Thành Cổ sẻ nghèo dần đi những dấu tích của một di tích lịch sử đặc biệt đã trở thành tài sản vô giá của nhân loại.
3. Xem phim cùng liệt sỹ:
Năm 2012, Quảng Trị có nhiều ngày kỷ niệm lớn: 40 năm giải phóng Quảng Trị, 40 năm sự kiện 81 ngày đêm Thành Cổ Quảng Trị. Nhân dịp này bộ VHTTDL phối hợp với Quảng Trị tổ chức nhiều hoạt động VHNT lớn chào mừng các sự kiện nới trên. Trong đó có chương trình khai mạc tuần phim Việt Nam tại Quảng Trị. Chương trình mở đầu bằng buổi khởi chiếu bộ phim MÙI CỎ CHÁY của tác giả kịch bản Hoàn Nhuận và đạo diễn Hữu Mười tổ chức vào đêm 23/4/2012 tại Thành Cổ Quảng Trị. Đây là bộ phim vừa mới hoàn thành lấy bối cảnh cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị được đầu tư công phu , có tính chân thực và đạt trình độ nghệ thuật cao. Chúng tôi xác định, đây là buổi chiếu để “cúng” ra mắt, báo cáo trước linh hồn các liệt sỹ nên công tác chuẩn bị buổi chiếu hết sức chu đáo, trang trọng. Phía trước hàng ghế đại biểu là 40 chiếc ghế trống được bố trí nến, hương, hoa và mũ tai bèo dành cho liệt sỹ về xem phim, tượng trưng cho 40 năm (1972 – 2012) sự kiện 81 năm ngày đêm Thành Cổ Quảng Trị. Nến được thắp lên 4 phía đài tưởng niệm và dọc các lối đi vào Thành Cổ. Buổi khởi chiếu bộ phim có sư tham dự của Lãnh đạo cục điện ảnh, Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, đông đảo CCB và người dân thị xã. Trong không khí trang nghiệm, xúc động, cuốn hút, buổi chiếu đã để lại những tình cảm đặc biệt trong lòng người xem. Nhất là hình ảnh 40 chiếc ghế “danh dự” dành cho liệt sỹ. (Cách làm này sau đó được duy trì trong nhiều buổi lễ tưởng niệm, tri ân, sinh hoạt truyền thống ở các di tích liệt sỹ, các nghĩa trang trên địa bàn Quảng Trị và nhiều nơi trong cả nước).
Đặc biệt sau buổi chiếu đã xảy ra một việc hết sức bất ngờ: có một gia đình sống giữa Thành Cổ đã đến gặp chúng tôi phản ánh: câu chuyện ở trong phim rất đúng với những gì đã diễn ra trong khu vườn mà gia đình họ đang ở. Đó là ngôi mộ được đánh dấu bằng cục đá, bên dưới là hài cốt của liệt sỹ tên Long (như tên của nhân vật trong tác phẩm). Sáng hôm sau chúng tôi cùng đoàn làm phim tìm đến ngôi nhà này ở khu phố 2 – phường 2 – TX Quảng Trị. Đúng như gia đình phản ánh, ở dây có ngôi mộ của liệt sỹ tên Long và cục đá đánh dấu giống như trong phim. Từ việc tìm ra ngôi mộ này, gia đình cùng chính quyền địa phương còn tìm thấy nhiều ngôi mộ liệt sỹ khác ở trong khu vườn của gia đình và các gia đình xung quanh đưa vào nghĩa trang thị xã và đưa về với gia đình của liệt sỹ ở quê hương.
4. Cụm tượng đài hình cánh tay liệt sỹ.
Tháng 7 / 2016 tỉnh Quảng Trị tổ chức trại điêu khắc đá với chủ đề “Thành Cổ Quảng Trị bất tử và hồi sinh” 22 tác phẩm được tuyển chọn từ hơn 50 phác thảo của các nhà điêu khác nổi tiếng trong nước và quốc tế, được đưa vào chế tác và lắp dựng trong khuôn viên Thành Cổ Quảng Trị. Để tạo sự hài hòa, cân xứng, phát huy được giá trị của mỗi tác phẩm, Ban tổ chức đã thành lập một nhóm chuyên gia khảo sát, lựa chọn vị trí thích hợp để đặt tượng.
Sau nhiều lần sắp xếp, bố trí, cuối cùng 22 vị trí đặt tượng đã được xác định. Điều bất ngờ kỳ lạ đã diễn ra ở công đoạn này. Cụm tượng đài “Hồi sinh ” của tác giả Phan Đình Tiến phác thảo 2 bộ ống xương tay giơ lên từ mặt đất, trên đó là 2 cánh diều, tượng trưng cho sự hồi sinh được lắp dựng phía đối diện với cụm tượng đài sinh viên Việt Nam. Khi đào móng để dựng tượng đã phát hiện thấy 2 bộ xương tay còn khá nguyên vẹn, các khúc xương gần giống như phác thảo mà nhà điêu khác đã sáng tạo. Cả Ban tổ chức và tác giả đã hết sức bất ngờ, phải chăng linh hồn liệt sỹ có xương cốt nằm lại nơi đây đã thôi thúc để tác giả sáng tác ra tác phẩm tương tự và phải chăng, linh cảm đã chỉ lối cho Ban tổ chức trại đặt tác phẩm vào đúng nơi này. Ngay lúc đó chúng tôi cùng nhà điêu khắc đã tổ chức rất chu đáo việc cất bốc và di chuyển hài cốt là 2 ống xương tay của liệt sỹ về vị trí thích hợp. Từ đó, hàng năm gia đình nhà điêu khắc Phan Đình Tiến (hiện là chủ tịch hội VHNT Quảng Bình) đều ghé vào Thành Cổ Quảng Trị dâng hương tưởng niệm trước bức tượng này.
Còn rất nhiều những câu chuyện tương tự ở những nơi linh thiêng tại Quảng Trị mà chúng tôi được chứng kiến với tư cách là người trong cuộc, hoặc được nghe đồng nghiệp chứng kiến và kể lại. Phải chăng đang có một sợi dây liên hệ nào đó giữa người sống và người đã khuất, giữa thế giới này (thế giới của những người đang sống) với thế giới bên kia (thế giới của những linh hồn). Họ luôn tồn tại ở đâu đó, đang dõi theo chúng ta. Luôn che chở, phụ hộ và là điểm tựa tinh thần theo nghĩa tích cực nhất cho cuộc sống hôm nay.
Tour DMZ sản phẩm độc đáo của du lịch Quảng Trị.
Đã kết thúc bài viết này, tôi xin đọc tặng các bạn bài thơ tôi viết về một sự kiện đã được tổ chức tại Thành Cổ Quảng Trị.
XEM PHIM CÙNG LIỆT SỸ
Đêm hôm ấy trong lòng Thành Cổ
Có một buổi chiếu phim
Màn hình được dựng lên
Dưới chân đài tưởng niệm
Những hàng ghế nối dài, yên lặng
Mũ tai bèo vắt chéo sau lưng
Những ngọn nến lung linh
Hương trầm thơm gió thoảng
Không gian chìm vào dĩ vãng
Chỉ những linh hồn mới nhận biết nhau thôi
Về đây các anh ơi
Đêm chiếu phim dành cho Liệt sỹ
Không đủ ghế thì ngồi trên cỏ
81 ngày đêm ghế nào cho đủ
Buổi xem phim góp mặt mấy sư đoàn
Hàng ghế này chốt thép Long Quang
Hàng ghế này Nhan Biều, Bến Vượt
Hàng ghế này… tên không nhớ được
Lính vào thành chưa kịp nhận mặt nhau
Đồng đội ơi, ở đâu
Sư 320 hay Trung đoàn 27
K10 đặc công hay mật danh Triệu Hải
Lính sinh viên mới được tăng cường…
Tất cả hướng lên màn hình
Bộ phim MÙI CỎ CHÁY
Nhân vật trong phim cũng là lính đấy
Những binh nhì đang tuổi mộng mơ
Bom rơi dày như mưa
Đạn nhiều như vãi trấu
Gạch Cổ Thành đỏ bầm như máu
Thạch Hãn trôi áo mũ bập bềnh…
Những linh hồn xem phim
Thấy bóng mình lao trên màn ảnh
81 ngày đêm, hàng trăm trận đánh
Phim chỉ dài một tập thế thôi…
Buổi chiếu kết thúc rồi
Ánh sáng trên màn hình vụt tắt
Những ngọn nến vẫn đều tăm tắp
Sáng lung linh bốn phía tượng đài
NGUYỄN HỮU THẮNG
( *Đêm 23/4/2012, nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng tỉnh Q trị, 40 năm sự kiện 81 ngày đêm Thành Cổ Q Trị, nhân bộ phim Mùi cỏ cháy vừa hoàn thành, Cục Điện ảnh và sở VHTTDL Quảng Trị tổ chức khởi chiếu bộ phim để ” cúng” các AHLS tại Thành Cổ. Chúng tôi sắp những hàng ghế dành riêng cho Liệt Sỹ, mỗi ghế có một mũ tai bèo, nến và hoa.Buổi chiếu tạo một xúc cảm đặc biệt.Sau đó, như thành tiền lệ, những buổi biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim tại sông Thạch Hãn, Thành Cổ đều có những hàng ghế trang trọng dành riêng cho Liệt Sỹ).