Sân bay Tà Cơn di tích ngoài trời tại Quảng Trị
Sân bay Tà Cơn là tên gọi để chỉ một cụm cứ điểm quân sự chiến lược của quân đội Mỹ trong những năm 1966 – 1968, là mắt xích quan trọng của tập đoàn cứ điểm Khe Sanh. Ngày nay di tích sân bay Tà Cơn trở thành điểm thăm quan thu hút du khách tham gia. Bởi nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử mà ít nơi nào trên Việt Nam có được. Cùng Du lịch Quảng Trị tìm hiểu về Sân Bay Tà Cơn nhé.
Ðịa danh này gắn với chiến dịch giải phóng Khe Sanh năm 1968. Hiện nay, di tích nằm trên địa phận thôn Hòa Thành, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa; cách đường Trường Sơn (đường 14 nối từ Khe Sanh vào Hướng Lập) hơn 400m về hướng Ðông bắc; cách trung tâm huyện lỵ Hướng Hóa – Thị trấn Khe Sanh 3km về hướng Bắc. Di tích đã được Bộ VHTT xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 236/QÐ-BVHTT ngày 12 tháng 12 năm 1986.
Xem thêm: Du lịch Khe Sanh Hướng Hóa
Tìm hiểu về Khe Sanh nơi có Sân Bay Tà Cơn
Khe Sanh là một thung lũng hình lòng chảo được bao bọc xung quanh bởi các núi đồi trên một cao nguyên ở độ cao 800m, rộng chừng 60ha. Ở vào vị trí gần biên giới lại án ngự quốc lộ 9 nối từ Ðông Hà/Việt Nam với Nam Lào, Khe Sanh có một vị thế chiến lược khá lợi hại về quân sự không chỉ trên chiến trường Quảng Trị mà còn cả khu vực Ðông Dương. Chính vì thế, giữa tháng 1/1964, sau khi sang nhận chức Tư lệnh quân đội Mỹ ở Việt Nam, tướng 4 sao Oétmôlen đã vội vã đáp máy bay ra Quảng Trị để thị sát vùng Khe Sanh, và ngay từ đầu, viên tướng Mỹ đã nhận ra ý nghĩa quan trọng của việc kiểm soát vùng đất này.
Theo Oétmôlen, Mỹ có thể thiết lập ở Khe Sanh một tập đoàn cứ điểm quân sự như là một cái “chốt cứng”có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phòng ngự, ngăn chặn ở phía Tây bắc chiến trường Trị Thiên; một “cái neo” về phía Tây cho hệ thống phòng thủ chiến lược ở phía Nam khu phi quân sự; biến Khe Sanh thành một căn cứ tuần tra để ngăn chặn quân đối phương từ Lào sang theo đường số 9 và cũng là căn cứ cho các hoạt động biệt kích nhằm quấy nhiễu đối phương dọc biên giới Việt – Lào. Ðồng thời, sử dụng Khe Sanh thành một bàn đạp cho các cuộc hành quân càn quét trên bộ, xây dựng ở đây một sân bay cho các máy bay trinh sát của Mỹ cất cánh kiểm tra, tìm diệt bộ đội chủ lực của “Việt Cộng”, đánh phá, cắt đứt các tuyến đường mòn Hồ Chí Minh.
Từ năm 1965 trở đi, quân Mỹ liên tiếp dùng máy bay rải chất độc hóa học khai quang xuống miền núi Hướng Hóa; đồng thời tiến hành các cuộc càn quyét, tổ chức gom 5.000 dân đang làm ăn sinh sống hai bên trục đường 9 vào các khu tập trung Tà Cơn, Làng Vây. Ðầu năm 1966 Mỹ – ngụy thiết lập tuyến phòng thủ dọc đường 9 từ Ðông Hà sang Lào bằng việc tăng cường quân Mỹ và quân ngụy cùng các binh khí, kỹ thuật để xây dựng các cứ điểm hỏa lực mạnh trên toàn tuyến hành lang chiến lược đường số 9 gồm: Ðông Hà, Cam Lộ, Tân Lâm, Ðầu Mầu, Ðakrông, Khe Sanh, Tà Cơn, Làng Vây, Huội San…Trong đó, tập đoàn cứ điểm Khe Sanh được coi là “cái bẫy chết người” chờ tiêu diệt “Cộng sản”. Cuối năm 1967, khoảng 6.000 lính thủy đánh bộ Mỹ đã kéo đến Khe Sanh.
Cụm cứ điểm Tà Cơn
Cụm cứ điểm Tà Cơn, nằm ở Bắc đường 9 được coi là khu trung tâm được xây dựng rất quy mô chạy dài 2km, rộng 1km, gồm nhiều tiểu cứ điểm với công sự kiên cố dày đặc và một sân bay cỡ lớn (sân bay Tà Cơn) dùng làm nơi cất và hạ cánh của các loại máy bay lên thẳng vũ trang, một số máy bay vận tải và phản lực chiến đấu. Sân bay có diện tích khoảng 10.000m2 nằm giữa căn cứ với một đường băng được lát bằng hàng ngàn tấn ri nhôm và ri sắt. Trong khu vực sân bay có trụ sở chỉ huy cứ điểm, đài chỉ huy sân bay, đài liên lạc…cùng hệ thống công sự phòng ngự dày đặc. Bảo vệ bên ngoài là một hàng rào dây kẽm gài bùng nhùng và những bãi mìn lớn…
Với cách bố trí như vậy, sân bay Tà Cơn cùng các cao điểm kế cận đã hình thành nên một thế phòng ngự liên hoàn, cơ động, được Mỹ – ngụy coi là một vị trí “cứng” nhất trong cả hệ thống tập đoàn cứ điểm Khe Sanh. Tại đây có trung đoàn lính thủy đánh bộ số 26 của Mỹ, một tiểu đoàn pháo binh, một đại đội xe tăng và 8 đại đội lực lượng bảo an của ngụy đóng giữ, yểm trợ và chi viện khi lâm chiến. Bên cạnh đó là một loạt các căn cứ quân sự được xây dựng trên các cao điểm xung quanh như: 689, 682, 845, 832, 1009 (Ðộng Tri).
Ở phía Tây nam và Ðông nam Tà Cơn là quận lỵ hành chính Hướng Hóa và cứ điểm Làng Vây. Quân Mỹ thường xuyên có 4 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, các lực lượng pháo binh, thiết giáp và lực lượng quân ngụy với khối lượng binh khí kỹ thuật và hậu cần to lớn. Ðó là chưa kể sự yểm trợ tối đa của các lực lượng pháo binh, không quân, kể cả những máy bay chiến lược B52 ở Hạm đội VII, đảo Guam.
Ðể đập tan những tham vọng ngông cuồng của Mỹ – ngụy, Chiến dịch đường 9 Khe Sanh được mở màn bằng trận đánh phục kích của bộ đội ta vào đoàn xe vận tải trên đoạn đường Tân Lâm, KLu ngày 13/1/1968, phá hủy 9 xe quân sự, diệt 100 tên Mỹ. Ngày 18/1 đánh địch ở cao điểm 845, 832, (khu vực Tà Cơn). Ðêm 20/1 lực lượng ta bất ngờ tấn công vào tập đoàn cứ điểm Khe Sanh mở đầu đợt 1 của chiến dịch giải phóng Khe Sanh. Ngày 21/1 tiêu diệt chi khu quân sự Hướng Hóa. Ngày 23/1 đánh chiếm Huội San và bắt đầu chiến dịch vây hãm Tà Cơn. Ðêm 7/2/1968, lực lượng vũ trang Hướng Hóa cùng trung đoàn 24 (sư 324) tấn công giải phóng Làng Vây.
Từ ngày 8/2/1968, lực lượng vũ trang ta bước vào đợt 2 của chiến dịch: tấn công vây hãm cứ điểm Tà Cơn. Với khẩu hiệu “biến Khe Sanh thành địa ngục trần gian của đế quốc Mỹ” và dùng chiến thuật “vây, lấn, tấn, phá, triệt đi đến tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm địch”; các tổ bắn tỉa tích cực hoạt động; pháo binh ta lúc bắn cấp tập, lúc bắn cầm canh làm cho lính Mỹ thường xuyên sống trong tính trạng căng thẳng. Ðịch phải dùng máy bay lên thẳng tiếp tế lương thực, nước sinh hoạt và vũ khí, đạn dược. Lính Mỹ hàng ngày bị giam chặt trong các hầm hào, lô cốt chật chội tại các cứ điểm không dám ra ngoài vì sợ bị bắn tỉa. Máy bay thả hàng tiếp tế cũng không vượt được lưới lửa phòng không của quân giải phóng. Tà Cơn thực sự trở thành chiếc “ghế điện” thành “nhà thương điên” đối với liên quân Mỹ – ngụy. Nỗi lo về một “Ðiện Biên Phủ thứ 2” ám ảnh Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ, buộc chúng phải ra lệnh mở chiến dịch ném bom rải thảm và đưa lực lượng lên giải cứu Khe Sanh. Tại Lầu Năm Góc, tổng thống Johnson chỉ thị cho tướng Taylo lập “phòng tình hình” để theo dõi chiến sự Khe Sanh, ra lệnh cho các tham mưu trưởng Mỹ cam kết phải giữ vững Khe Sanh bằng bất cứ giá nào.
Trước nguy cơ bị tiêu diệt, ngày 1/4/1968, Mỹ – ngụy tiến hành cuộc hành quân giải tỏa Khe Sanh của một sư đoàn kỵ binh không vận lấy tên “Ngựa bay”, kết hợp với cuộc hành quân “Lam Sơn 270” của một lữ đoàn dù dự bị chiến lược ngụy và một tiểu đoàn biệt động quân, gồm tất cả 17 tiểu đoàn (có 13 tiểu đoàn Mỹ). Quân chủ lực ta còn 9 tiểu đoàn đứng chân ở mặt trận Khe Sanh bước sang đợt 3 của chiến dịch, chuyển trọng tâm sang tiêu diệt quân chi viện, đồng thời tiếp tục vây hãm Tà Cơn. Sau 47 ngày đêm bị quân ta chặn đánh, quân chi viện không những không cứu được Khe Sanh mà làm cho vòng vây Khe Sanh ngày càng bị thít chặt. Ngày 26/6/1968, quân Mỹ buộc phải rút khỏi Khe Sanh.
Quá trình vây hãm chặt, tiến công liên tục, rồi cuối cùng giành thắng lợi quyết định của quân và dân ta đã khiến cho hệ thống phòng thủ chiến lược hành lang đường 9 – trong đó có tập đoàn cứ điểm Khe Sanh mặc dù được xây dựng kiên cố, trang bị hỏa lực mạnh, quân số đông…vẫn phải chịu thất bại nhục nhã. Chiến thắng Tà Cơn góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của quân và dân ta ở mặt trận đường 9 Khe Sanh, đánh dấu sự bế tắc của Mỹ – ngụy trong thế phòng ngự chiến lược cũng như trình độ phát triển cao của quân giải phóng về chỉ đạo chiến lược, chiến thuật và tiến hành các chiến dịch tiến công quy mô lớn, dài ngày, hợp đồng binh chủng chặt chẽ…
Sau thất bại thảm hại năm 1968, từ năm 1969, Mỹ – Ngụy điên cuồng tập trung lực lượng tiến hành các cuộc càn quét lớn vào các vùng giải phóng của ta và tăng cường củng cố lại các căn cứ quân sự dọc đường 9. Ðầu năm 1971 Mỹ – ngụy mở cuộc hành quân “Lam sơn 719”, tiếp tục xây dựng Tà Cơn thành một căn cứ lớn (có cả sân bay quân sự) trong hệ thống các cứ điểm Khe Sanh nhằm hỗ trợ đắc lực cho mục đích “bóp nghẹt” hệ thống vận chuyển và cắt đứt con đường tiếp tế thứ 2 (Tây Trường Sơn) cho chiến trường miền Nam. Với mục tiêu đánh chiếm Sê Pôn, Sa Di, Mường Nòng, tiến vào Savanakhet rồi đánh xuống vùng A Sầu, A Lưới để mở đường cho quân Mỹ tiến sâu vào đất Lào; Mỹ – ngụy đã huy động hơn 3 ngàn quân ngụy Sài Gòn với 1.500 máy bay chiến đấu, hơn 800 máy bay lên thẳng, hơn 600 xe tăng thiết giáp và gần 300 khẩu đại bác để thực hiện cuộc hành quân và xem đây là một trận đánh quyết định nhằm đảo ngược tình thế chiến trường. Tuy nhiên, sau hơn một tháng giương oai, diễu võ, cuộc hành quân đã bị ta đánh bại. Căn cứ Tà Cơn thường xuyên bị pháo kích trước đó, đến đây cũng sụp đổ theo. Hơn một năm sau đó, khi quân và dân ta thực hiện cuộc tiến công chiến lược giải phóng Quảng Trị năm 1972 thì toàn bộ tuyến phòng thủ mạnh nhất của Mỹ – ngụy trên đường 9, trong đó có sân bay Tà Cơn bị bão lữa của quân giải phóng đập nát chỉ trong 5 ngày (30/3 – 3/4/1972), kết thúc vị trí và vai trò của các căn cứ quân sự cùng với những tham vọng ngông cuồng của quân đội Mỹ.
Từ năm 1998, công cuộc trùng tu, tôn tạo được bắt đầu nhưng do khó khăn về nhiều mặt nên chưa có gì đáng kể. Phải đến những năm từ 2002 trở đi thì việc tôn tạo di tích mới thực sự có được những chuyển động tích cực. Hiện nay, trong khuôn viên di tích sân bay Tà Cơn có một nhà Bảo tàng, một số hầm hào, công sự, đường băng đã được phục dựng lại cùng với các hiện vật thể khối lớn như máy bay, trực thăng, đại bác, xe tăng…được trưng bày để phục vụ nhu cầu tham quan du lịch của khách tham quan trong và ngoài nước.
Sân bay Tà Cơn đã và đang trở thành một điểm tham quan thu hút ngày càng đông du khách tuyến du lịch DMZ. Đến Du lịch Quảng Trị nếu có thời gian bạn đến Tà Cơn để nghe hướng dẫn viên chia sẻ chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng